Cô trò Trường Mầm non Tây Hồ (Hà Nội) trong Ngày hội sáng tạo của trẻ. Ảnh: TG

Lương nhà giáo cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã được đề cập từ hơn 10 năm nay và nêu rõ tại Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện, dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục đề xuất vấn đề này và nhận được phản hồi tích cực, cùng những phân tích về tính khả thi.

Khấp khởi niềm tin

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1/7/2024, lương giáo viên sẽ thay đổi tích cực. Thông tin này cùng đề xuất của dự thảo Luật Nhà giáo khiến cô Nguyễn Thị Trang - giáo viên trường tiểu học ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khấp khởi niềm tin, bởi tăng lương là mong mỏi của cô lâu nay.

Theo cô Trang, nếu tiền lương nhà giáo được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ hóa giải nhiều tâm tư của đội ngũ trên cả nước. Hiện, mức lương của nhà giáo chưa đảm bảo mức sống; trong khi lao động của nhà giáo có tính đặc thù, khác biệt so với ngành nghề khác.

“Công việc của chúng tôi là dạy học gắn liền với “dạy người”. Tôi cũng như nhiều giáo viên trên cả nước luôn mong muốn đề xuất tiền lương trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ thành hiện thực”, cô Trang bày tỏ.

Quy định về lương được áp dụng chung với tất cả viên chức các ngành, lĩnh vực. Điều này dẫn đến những bất cập trong việc không thể hiện được mức độ phức tạp từng ngành nghề khác nhau; trong đó có lao động mang tính đặc thù nhà giáo.

Qua tiếp xúc cử tri, bà Dương Minh Ánh (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhận thấy, cải thiện tiền lương, tạo động lực cho nhà giáo cống hiến là mong mỏi của cử tri ngành Giáo dục. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cần có thông tin rõ ràng về bảng lương kể từ 1/7. Qua đó để nhà giáo thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn.

Một lớp học của Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên). Ảnh: TG

Lương mới sẽ cao hơn

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhắc lại.

Theo dự thảo luật, tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, thâm niên, chức danh trong cơ sở giáo dục chưa tự chủ; đồng thời không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có điều kiện đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trao đổi thêm, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tiền lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Tinh thần là, ngành Giáo dục được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo cao nhất trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp.

Nguyên tắc trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW là: Tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Trường hợp sắp xếp tiền lương mới thấp hơn tiền lương giáo viên đang hưởng thì được quyền bảo lưu tiền lương cũ. Vì vậy, thầy, cô giáo yên tâm vì tiền lương mới từ 1/7 sẽ cao hơn tiền lương cũ.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Cải cách tiền lương khả thi hay không phụ thuộc phần lớn vào nguồn lực tài chính. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, khó nhất là không có tiền. Tuy nhiên, đợt này đã có tiền (680 nghìn tỷ đồng) và báo cáo Quốc hội. Cải cách tiền lương lần này có nhiều vấn đề mới. Cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm. Muốn vậy, phải xác định được vị trí việc làm. Vị trí việc làm có 3 đặc điểm: Tính ổn định, lâu dài và thường xuyên. Kết cấu mỗi vị trí việc làm gồm một bản mô tả công việc và khung năng lực.

Đề cập đến mức tham chiếu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là khái niệm mới, thay thế cho mức lương cơ sở. Mức tham chiếu được tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế CPI, thực tiễn, thu chi. Nếu thời gian tới, lương cơ sở 1,8 triệu đồng chưa được bãi bỏ thì mức tham chiếu tiếp tục là con số này. Sau thời điểm thực hiện Nghị quyết 27, mặt bằng lương chung nâng lên mấy chục phần trăm, thì đó là mức tham chiếu.

Về mức tham chiếu, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở (hiện sử dụng làm căn cứ đóng BHXH, tính hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và nhiều chính sách khác), ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội giải thích tại buổi họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức tham chiếu phù hợp, làm sao không thấp hơn khi áp dụng mức lương cơ sở. Các cơ quan của Quốc hội cũng tiến hành xem xét, đánh giá toàn diện vấn đề này.

Theo ông Lâm Văn Đoan, mức tham chiếu cùng với hệ số nhân cụ thể như thế nào tại thời điểm cải cách tiền lương cũng như áp dụng cho các năm tiếp theo đòi hỏi phải tính toán chặt chẽ, làm sao để người lao động đang làm việc được hưởng quyền lợi tối ưu.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới được Chính phủ đưa ra là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, cùng nhiều dự án trọng điểm và quan trọng của quốc gia.